Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

Việt Nam có thể trở thành ‘cường quốc’ hoa?

Thị trường hoa toàn cầu với doanh thu nhiều tỷ USD hàng năm, nhiều nước đã trở thành cường quốc hoa như Hà Lan, Isarael, Thái Lan…Việt Nam cũng có đủ các điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước để trở thành cường quốc hoa. Nhưng con đường để thoát nghèo này cũng đầy chông gai.

Ngày 25/1, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia  phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Di truyền nông nghiệp vừa tổ chức diễn đàn “Liên kết nghiên cứu, sản xuất và tiêu thụ hoa, cây cảnh theo chuỗi giá trị” đã thu hút được sự quan tâm của nhiều giới chức và các nhà nghiên cứu, theo tin Báo Nông nghiệp.

Về tiềm năng

Các vùng trồng hoa của Việt Nam như Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng), Mộc Châu (Sơn La), Đồng bằng Sông Hồng, Đồng bằng Sông Cửu long có thể thỏa mãn yêu cầu sản xuất hoa để xuất khẩu. Trong đó Mộc Châu và Đà Lạt là những “nhà kính” khổng lồ trời cho. Nếu muốn tạo một nhà kính rộng gần 1 triệu ha với nhiệt độ quanh năm 20 độ C như ở Lâm Đồng, thì ở Australia, người ta phải bỏ ra nhiều tỷ đô la mà chưa chắc đã xây dựng được. Trong khi đó, ở Lâm Đồng, chúng ta mới chỉ sử dụng 3.500 ha cho hoa. Như vậy, tiềm năng về loại cây trồng này là rất lớn.

Ông Trần Xuân Định, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Hoa, cây cảnh được đánh giá là một ngành hàng chủ lực góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt. Thống kê cho thấy, trong vòng 10 năm gần đây (2005-2015) diện tích hoa đã tăng hơn 2,3 lần, giá trị sản lượng tăng 7,2 lần (đạt 6.500 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu xấp xỉ 50 triệu đôla Mỹ). Mức tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị hécta là ba lần, hình thành nhiều mô hình đạt từ 800 triệu đến 2,5 tỷ đồng trên một hécta”, ông Định nói.

Về thị trường tiêu thụ

GS.TS.KH. Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác Châu Á – Thái Bình Dương chia sẻ, kết quả điều tra nhu cầu thị trường hoa, cây cảnh của Việt Nam cho thấy, giai đoạn 2000 – 2011 trung bình mỗi năm tăng 9%. Giai đoạn 2011-2015 tăng trên 11%.

Mức độ tiêu dùng hoa, cây cảnh trung bình của người dân đô thị năm 2000 là 25.000 đồng người/năm, đến năm 2011 tăng lên 52.000 đồng/năm, đến năm 2013 là 100.000 đồng/người/năm, năm 2014 là trên 130.000 đồng/người/năm. Ở nông thôn, mức độ tiêu dùng tương ứng chỉ bằng 20% so với đô thị, mức tăng bình quân về cầu là 15%/năm.

Các chuyên gia cũng dự báo, một số thị trường tiêu thụ hoa cây cảnh, cây thế đã bắt đầu được mở cửa do hội nhập quốc tế và hội nhập khu vực. Đây sẽ là cơ hội lớn cho ngành hàng hoa, cây cảnh Việt Nam.

Thực trạng sản xuất hoa ở Việt Nam

Sản xuất hoa, cây cảnh cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng thông thường khá, vì vậy hoa, cây cảnh trở thành lĩnh vực hấp dẫn, được nông dân và các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nhằm nâng cao thu nhập.

Ông Trần Xuân Định cho biết, miền Bắc chưa có chợ đầu mối hoa lớn. Các chợ Quảng Bá, Mê Linh, Tây Tựu… đều là những chợ bán buôn hoa nhưng quy mô nhỏ, thiếu cơ sở hạ tầng đồng bộ, thiếu kho hàng, bến bãi để tập kết và vận chuyển hàng hóa. Dù đã hình thành rất nhiều các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoa, nhưng chưa có tổ chức nào đứng ra liên kết các đơn vị này với nhau để tạo thành một hệ thống hoành chỉnh từ quản lý – khoa học – sản xuất – tiêu thụ sản phẩm, để vừa nâng cao giá trị sản xuất, vừa phát triển bền vững.

Ông Định cũng cho rằng, kỹ thuật sản xuất hoa của nước ta còn khá lạc hậu so với các nước trong khu vực, chủ yếu vẫn là sản xuất ngoài tự nhiên. Năm 2011, tỷ lệ hoa, cây cảnh áp dụng tiến bộ khoa học đạt khoảng 35%. Diện tích trồng hoa, cây cảnh trong nhà có mái che chiếm 12%. Tỷ lệ này có gia tăng đáng kể trong 2 – 3 năm gần đây do chính sách hỗ trợ đầu tư, đặc biệt là chính sách về áp dụng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt. Nhiều giống hoa chọn lọc, nhập nội và tuyển chọn đã được công nhận như các giống hoa loa kèn, hoa hồng, hoa cúc, lan hồ điệp và địa lan… Song, các giống hoa cao cấp, hoa văn phòng, hoa chậu… vẫn chưa được chủ động sản xuất mà chủ yếu nhập nội.

Phát triển hoa, cây cảnh gắn với ứng dụng công nghệ cao

Để phát huy tiềm năng kinh tế từ trồng hoa và cây cảnh, các chuyên gia nhấn mạnh cần gắn định hướng phát triển hoa cây cảnh với chương trình phát triển công nghệ cao trong trồng trọt.

Theo GS. TS. Nguyễn Quang Thạch, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, hoa là lĩnh vực có cơ hội và điều kiện để gắn với hệ thống sản xuất công nghệ cao, nhà kính nhà lưới, sản xuất theo quy mô công nghiệp.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Duy Quý cũng nhấn mạnh: “Chúng ta cần tiếp tục đầu tư nguồn lực cho khoa học công nghệ, nghiên cứu chọn tạo, nhập nội giống hoa, cây cảnh, chú trọng điều tra, phục tráng, cải tiến và nhân các giống hoa bản địa, nâng cao năng lực sản xuất hạt giống, cây giống bằng các phương pháp truyền thống và công nghệ mới.

Theo GS.TS Trần Duy Quý, khu vực Đông Nam Á đang phát triển rất mạnh sản xuất hoa. Riêng Thái Lan, doanh số xuất khẩu hoa đạt khoảng 200 triệu USD/năm, hiện Thái Lan có hơn 1.000 giống hoa lan.

Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn cây giống và lan cắt cành từ Thái để phục vụ nhu cầu trong nước. Hoa của ta chất lượng không ổn định và giá thành cao nên khó có thể cạnh tranh với thị trường nước ngoài. Thậm chí chúng ta thua ngay tại nội địa, khi so với sản phẩm của các liên doanh trồng hoa nước ngoài.

Nguyên nhân quan trọng nhất được GS.TS Trần Duy Quý xác định là do hầu hết các giống hoa có chất lượng tốt đều phải nhập từ nước ngoài. Hiện các cơ sở nhân giống lan bằng nuôi cấy mô được thành lập ở TP Hồ Chí Minh đều sản xuất với quy mô nhỏ như Viện Sinh học nhiệt đới, Trung tâm Nghiên cứu giống (ĐH Khoa học Tự nhiên), Công ty CP Phong lan xuất khẩu nên lượng giống không đủ cung ứng cho người trồng.

Chính vì vậy, giá cây giống còn cao, như cây giống hoa lan Monkara từ 35.000 – 40.000 đồng/cây. Nếu đầu tư 1.000 cây giống ban đầu cho quy mô 1 hộ trồng thì cần phải bỏ ra 40 triệu đồng. Còn ở các tỉnh phía Bắc thì nhân giống chủ yếu là lan hồ điệp. Tuy nhiên vẫn chỉ cung ứng được 15 – 20%, còn lại phải nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc.

Ngoài thiếu về giống chất lượng, Việt Nam còn yếu cả về kỹ thuật bảo quản và dịch vụ như bao bì, sử dụng kích thích tố sinh học giữ hoa lâu tàn, vận tải biển, vận tải hàng không, cung ứng từ các vùng trồng hoa ra đến sân bay hoặc dịch vụ kiểm dịch còn hạn chế.

Thành Long (nguồn NongNghiep.vn)

Xem thêm:

seo

About seo

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :