Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Đàm phán hòa bình Syria: Khởi đầu khó khăn

Theo Reuters, các lãnh đạo phe đối lập Syria nói rằng họ sẽ không tham gia đàm phán hòa bình bắt đầu vào ngày thứ Sáu (29/1) tại Geneva, Thụy Sĩ. Dấu hiệu cho thấy nhiều chông gai cho con đường đi tới hòa bình cho Syria, ngay từ giai đoạn bắt đầu.

Hội đàm trước đó dự kiến sẽ bắt đầu hôm thứ Hai đầu tuần (25/1), tuy nhiên bị đẩy lùi lại do không nhất trí được việc nhóm nào sẽ có mặt thương thuyết với chính phủ Syria.

Cao Ủy về Đàm phán Syria (HNC), đại diện của phe đối lập ở Syria được thành lập hồi tháng 12/2015 ở Riyadh (Ả Rập Saudi), nói rằng đại biểu của họ “chắc chắn” sẽ không có mặt tại Geneva vào hôm thứ Sáu (29/1) vì các đòi hỏi của họ đối với phe chính phủ chưa được trả lời thỏa đáng. Những nhóm nổi dậy chống chính phủ của ông Bashar al-Assad nói họ muốn quân chính phủ ngừng ném bom vào các khu vực dân sự, thả tù binh và ngừng vây hãm các cứ điểm dân quân đang đóng.

Các yêu cầu này của HNC đã xuất hiện trong nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về vấn đề hòa bình cho Syria hồi tháng 12/2015, tuy nhiên vẫn chỉ nằm trên giấy mực.

Một quan chức khác của HNC nói họ sẽ tới cuộc hội đàm nếu các đòi hỏi của họ được thỏa mãn trong vài ngày tới, tuy nhiên, cơ hội cho điều này xảy ra là rất mong manh.

Tin này là một cú sốc đối nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp cho khu vực chảo lửa Trung Đông trong suốt hơn 2 năm qua. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhấn mạnh các nhóm đối lập Syria cần tận dụng cơ hội lịch sử này để tham gia vào cuộc hội đàm mặc dù điều kiện ngừng chiến ngay lập tức chưa đạt được.

Đến nay xung đột ở đất nước này đã trải qua 5 năm và đã làm hơn 250.000 người thiệt mạng, hàng triệu người ly tán, mất nhà cửa hoặc lưu vong ra nước ngoài.

HNC nói họ không chắc rằng đây có phải là một cơ hội lịch sử hay không.

Chính phủ Syria với sự hỗ trợ của quân Iran và Hezbollah dưới mặt đất và không kích của Nga từ trên không đã liên tục giành lại các căn cứ mà trước đó rơi vào tay quân nổi dậy. Hồi đầu tháng Giêng, chính phủ Damascus đã đồng ý với Đặc sứ Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura rằng họ sẽ cử đại diện tới tham gia đàm phán.

Các nhà tổ chức nói đây sẽ không phải là hòa đàm mà chỉ là các cuộc đối thoại nhằm đặt nền móng cho các cuộc đàm phán về sau. Tuy nhiên, với việc các nhóm nổi dậy không tham gia, cuộc họp ở Gevena hôm 29/1 sẽ chỉ mang tính hình thức mà không đạt được giá trị gì.

Sức ép buộc các bên tham gia hội đàm chủ yếu đến từ bên ngoài, với Mỹ, Liên minh châu Âu, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Saudi đều thúc đẩy để có một giải pháp.

Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ dọa ngừng ủng hộ cho tiến trình hòa bình, Pháp đã thông báo đảng Người Kurd ở Syria (PYD) – được cả Nga và Mỹ ủng hộ – đã bị loại.

Các nhà phân tích nói điều quan trọng là thực hiện được một việc gì đó, dù kết quả từ hội đàm không có gì chắc chắn nhưng nó có tác dụng báo hiệu rằng cộng đồng thế giới đang làm việc để chấm dứt một cuộc xung đột dường  như vô tận và gây mất ổn định to lớn.

Ở phương Tây, sự cấp thiết ngày càng tăng do các vụ tấn công khủng bố ở Pháp và Mỹ, cũng như do cuộc khủng hoảng di dân tại châu Âu. Hơn 1 triệu người, chủ yếu là từ Syria và Iraq, đã tới châu Âu vào năm 2015, trong đó hơn 3.000 người chết đuối khi vượt biển Địa Trung Hải. Các quan chức nói riêng trong 3 tuần đầu năm 2016, gần 40.000 người đã đi vào khu vực Tây Âu.

Minh Trí tổng hợp

seo

About seo

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :