Sau những gì diễn ra gần đây Toshiya Miura và Liên đoàn bóng đá Việt Nam có thể sẽ đường ai nấy đi. Nhưng lỗi thuộc về ông thầy Nhật Bản, hay mối tình ấy kỳ thực đã hỏng ngay từ đầu.
HLV Miura đứng ở đâu trong danh sách những HLV ngoại mà VFF từng thuê? Ông có tệ đến mức phải hứng chịu những chỉ trích, thậm chí là miệt thị, có lẽ nhiều bằng tất cả các đời HLV trước gộp lại hay không? Trả lời được câu hỏi này, VFF sẽ có cái nhìn thấu đáo về bản chất sự việc, từ đó có quyết định chuẩn xác hơn cho việc chọn người kế vị Miura.
HLV Miura đang trải qua những ngày tháng cuối nhiệm kỳ trong sự cô độc, vì sự ngoảnh mặt của tất cả. Ảnh: Đức Đồng. |
HLV Miura đã và đang làm việc trong bối cảnh một mình chống lại tất cả. Với VFF, ông không có được sự ủng hộ từ những người đang trả lương cho ông. Với đại đa số CĐV, chiến thuật của ông không thuyết phục được họ. Với truyền thông, ông nhận một thái độ dửng dưng. Với cầu thủ, họ hầu như không lĩnh hội được tư tưởng và triết lý ông truyền đạt. Làm việc trong môi trường ấy quả thực là cực hình.
John Duerden, cây bút viết về bóng đá châu Á uy tín nhất hiện nay, khi nhìn lại hành trình hai trận đã qua của U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á đã nhận xét rằng đội bóng chơi tốt lên theo thời gian và chiến thuật của HLV Miura là một điều đáng ghi nhận. Có bao nhiêu người nhìn nhận như Duerden? Hay tất cả chỉ chực chờ U23 Việt Nam thất bại là buông ra những lời chỉ trích. Họ quên rằng đây là đội bóng yếu nhất bảng, bỏ luôn sự thật rằng U23 Việt Nam lần đầu tiên có mặt ở giải đấu tầm châu lục này là do công của Miura.
HLV Miura tất nhiên đáng trách. Và ông cũng giống như HLV Louis van Gaal ở Man Utd hay Rafa Benitez ở Real Madrid cách đây ít lâu, tức là đang ở một nơi mà họ không thực sự thuộc về. Các CĐV Man Utd thích thấy đội nhà chơi tấn công dồn dập, Van Gaal ru ngủ họ với lối đá kiểm soát bóng nhàm chám. CĐV Real muốn đội nhà tấn công cả trận, Benitez lại lấy phòng ngự làm ưu tiên. Các CĐV Việt Nam thèm khát chứng kiến đội nhà đan dệt như U19 HAGL và U19 Việt Nam ở những giải giao hữu trước đây, Miura lại bỏ qua tuyến giữa, từ tuyến một phất bóng thẳng sang khung thành bên kia.
Nghĩa là Miura thực ra không tồi, ông chỉ đơn giản là không hợp. Mà nếu không hợp thì hai bên chẳng thà chia tay sớm để bớt đau khổ, còn hơn phải chịu đựng nhau suốt hơn một năm qua.
Trong đội ngũ dự giải U23 châu Á, HLV Miura gọi đến chín cầu thủ HAGL, nhưng có những người ông thậm chí không dùng đến một phút. Ông muốn làm điều gì trong những tháng cuối của hợp đồng? Tỏ ra cầu thị, lắng nghe nguyện vọng của CĐV hay biểu hiện một sự phảng kháng cao hơn - kiểu như: Tôi sẽ gọi để chiều lòng mọi người, nhưng tôi không dùng họ vì họ không đủ khả năng đứng trong đội hình của tôi?
Miura chịu áp lực rất lớn từ người hâm mộ quanh chuyện có nên hay không lấy dàn cầu thủ HAGL làm nòng cốt cho ĐTQG và U23. Ảnh: Đức Đồng. |
Nếu Miura không tốt, chiến thuật của ông không hợp lý, sao không ai ở VFF trực tiếp nói với ông điều đó? Hội đồng HLV quốc gia ở đâu, vai trò tham mưu của các trợ lý đã được phát huy thế nào? HLV Alfred Riedl từng nói với một phóng viên một câu bất hủ rằng: "Anh là người làm công, tôi cũng là người làm công". Vậy VFF đã đối xử với người làm công như thế nào? Họ không tạo môi trường làm việc tốt nhất đã đành. Họ cũng không đề ra một yêu cầu cụ thể nào cho ông về mặt cách chơi. Họ chỉ im lặng nhìn ông xua quân đi đánh trận, rồi ở nhà mà... thất vọng.
Khi Miura và các học trò đang miệt mài trên sân tập thì ở trong nước một quan chức cấp cao trên VFF lại công khai những vấn đề nội bộ rồi ca lại điệp khúc "Miura nên nghỉ", "Miura là HLV tồi nhất trong lịch sử Việt Nam"... Liệu đội U23, hay nói rộng ra là đội tuyển Việt Nam, có phải là ưu tiên số một trong VFF, hay mối bận tâm thực sự của họ lúc này là những chiếc ghế trong kỳ đại hội tới?
Việc thuê một HLV cũng giống như ký hợp đồng lao động bình thường. VFF mời HLV, trả lương và đưa ra những yêu cầu. Người Việt Nam nhỏ con, kỹ thuật, cần phải đá nhỏ hơn là rót từ bên này sang bên kia. Người Việt Nam thích xem bóng đá tấn công, có thể phản công nhưng phải cho thấy tinh thần phảng kháng quyết liệt, chịu cầm bóng chứ không co mình về tử thủ. HLV phải làm việc ấy, nếu không làm, thì bị sa thải. Ngay từ đầu, quy chế làm việc mà VFF đặt ra đã không rõ ràng. Giống như người ta ép một sinh viên vào phòng thi, bảo anh ta làm bài mà không cho... đề bài vậy!
VFF chọn Miura, nhưng không đưa ra được một đường lối, yêu cầu cụ thể cho nhà cầm quân này. Ảnh: |
Trên thế giới, việc thuê HLV là ngọn, là việc làm sau cùng. Trước hết phải có một triết lý bóng đá xuyên suốt, sau đến là con người. Giám đốc kỹ thuật sẽ là người lãnh trách nhiệm vạch ra lộ trình, yêu cầu các CLB phải rèn quân theo yêu cầu của mình, chi tiền cho công tác đào tạo trẻ. Xong hết họ mới chọn HLV và nói ra yêu cầu của mình, đại loại như: "Tôi muốn anh đá bóng ngắn, tấn công chủ động" hay "Tôi muốn anh vô địch giải A, giải B"...
Nước Đức mất 10 năm cho công cuộc chuyển mình, từ xe tăng ì ạch trở thành những chiếc Mercedes sang trọng, với lối chơi được cả thế giới ngưỡng mộ. Nước Bỉ cần nhiều thời gian hơn thể để từ một đống đổ nát tạo ra một thế hệ cầu thủ triển vọng hàng đầu thế giới. Đó là bởi cả nền bóng đá của họ đều nhìn về một hướng và biết phải làm gì.
"Rốt cục, chúng ta chọn HLV này để làm gì?" sẽ là câu hỏi lớn nhất trong lần bổ nhiệm tiếp theo của VFF cho người kế nhiệm Miura.
Hoài Thương