Năm 1984, khi Tạ Vệ Đông tốt nghiệp thạc sĩ, lúc đó dường như Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang từng bước chập chững hướng tới việc thực hiện các quy định của pháp luật. Đó là dưới thời cai trị của Đặng Tiểu Bình, cựu lãnh đạo tối cao trước đây của Đảng, khi Trung Quốc đang được tái xây dựng và hiện đại hoá sau cuộc Cách mạng Văn hóa.
Nhưng sau bảy năm làm luật sư và gần một thập kỷ là thẩm phán tòa án tối cao, Tạ Vệ Đông đã nghỉ việc vào năm 2000, và hoàn toàn vỡ mộng với hệ thống tư pháp và chính quyền cộng sản.
Mới đây, trả lời Đài truyền hình Tân Đường Nhân và Thời báo Đại Kỷ Nguyên tại ngôi nhà mới của mình ở Toronto (nơi ông sinh sống kể từ năm 2014), ông Tạ đã chia sẻ các tiêu điểm về thời gian ông tại nhiệm trong hệ thống tư pháp Trung Quốc từ giữa những năm 1980-2000. Những quan sát ông chia sẻ như vọng lại những gì mà các nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc đã nói trong suốt nhiều năm qua, về cách mà chính quyền Trung Quốc coi pháp luật không gì hơn là một công cụ mà Đảng sử dụng để thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi của chính nó.
Ông Tạ Vệ Đông nhớ lại một sự cố xảy ra thời ông còn làm luật sư khiến ông nhận thấy đó là sự thật hiển nhiên về công lý ở chế độ cộng sản như Trung Quốc. Lúc đó, một khách hàng tiềm năng bước vào công ty luật của ông và hỏi rất nhiều luật sư hiện diện ở đó rằng: “Tôi chắc chắn 100% là tôi làm đúng, nhưng cơ hội chiến thắng của tôi như thế nào?”
Ông Tạ kể: “Không có một luật sư nào trả lời”.
Tạ Vệ Đông, cựu thẩm phán tại Tòa án Nhân dân tối cao Trung Quốc, ở Toronto, Canada vào ngày 23 Tháng Chín, 2015. (Zhou Xing / Thời báo Đại Kỷ Nguyên)Lý do đằng sau phản ứng thiếu sót của các cựu đồng nghiệp trước chất vấn của khách hàng trở nên rõ ràng khi ông Tạ trở thành thẩm phán tại Tòa án nhân dân tối cao. Có một lần, người đứng đầu Tòa án nhân dân tối cao triệu tập hội đồng xét xử, mà ông Tạ phải có mặt để hướng dẫn cho họ cách bảo vệ một nhân vật đặc biệt “không được thua” trong vụ kiện do họ chủ trì.
“Chúng tôi ai nấy đều sửng sốt,” ông Tạ kể: “Khi một thành viên của Hội đồng xét xử hỏi cơ sở pháp lý nào chúng tôi nên đưa ra cho phán quyết này, thì người đứng đầu Tòa án nhân dân tối cao nói: ‘Tự vận dụng trí tưởng tượng của cậu đi.’”
“Đây có còn là pháp luật không?” ông nói tiếp. “Sau đó, tôi nhận ra rằng: Bạn có thể hoàn toàn đúng về lý nhưng cũng chẳng thể chiến thắng; bạn có thể hoàn toàn sai, nhưng lại cũng chẳng thua. Đây là thực tế ở Trung Quốc ngày nay.”
Sức mạnh của Đảng
Theo lời ông Tạ Vệ Đông, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao có thể phạm tội mà không bị trừng phạt, chỉ vì ông ta được lòng bí thư Đảng ở địa phương, cán bộ cộng sản nòng cốt trong khu vực. Nhiều quan chức Đảng và doanh nhân trở thành những kẻ xu nịnh, bợ đỡ hàng loạt vì họ tìm kiếm những lợi ích chính trị, kinh tế, hoặc các quyết định pháp lý.
Trên thực tế, các thẩm phán xu nịnh đã trở thành một mẫu hình quen thuộc ở Trung Quốc hiện đại. Các bộ phim truyền hình Trung Quốc cũng bắt đầu khắc họa những cảnh mà thẩm phán kiên nhẫn chờ đợi cả đêm ngoài cửa nhà một bí thư Đảng để được hướng dẫn cho những phán quyết trong ngày, theo lời nhận định của ông Tạ.
Ông cho biết thêm: “Pháp luật chẳng khác gì là một thứ công cụ. Bí thư Đảng chẳng biết về chứng cứ đưa ra tại Tòa hoặc theo luật, nhưng bất kể ông ra quyết định thế nào thì đó sẽ là phán quyết cuối cùng.”
Và khi Bí thư Đảng không quan tâm đến vụ kiện, thì quyết định sẽ đi xuống theo dây chuyền chính trị, theo như một chủ tọa tòa án tối cao giải thích cho ông Tạ trong bữa ăn tối: “Tôi đã nói với các quan tòa khác tại tòa án rằng chúng ta phải làm những gì mà lãnh đạo muốn. Nhưng khi lãnh đạo không quan tâm, thì cứ quyết theo ý tôi. Nếu tôi cũng không quan tâm, thì sau đó sẽ tùy các anh” quyết định.
Ông Tạ cho biết điều đó đủ để nói lên rằng không ai ở Trung Quốc, từ người dân bình thường đến cán bộ Đảng, thực sự có được sự bảo vệ của pháp luật.
Ông Tạ có phần xúc động khi đề cập đến hệ thống nhà tù tàn bạo ở Trung Quốc: “Họ nhốt bạn tong một căn phòng tối, và bạn sẽ không có cơ sở để chứng minh bạn đã bị tra tấn. Những người kết thúc bằng việc phải ngồi xe lăn có thể được coi là may mắn vì những người khác đã bị biến thành tro bụi, không còn vết tích.”
Ông nói thêm: “Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều quan chức của Đảng thà là tự tử hơn là thụ án trong tù.”
‘Một chế độ độc tài chuyên chế’
Việc một cựu viên chức đào tẩu khỏi hệ thống an ninh đã phần nào cổ vũ cộng đồng người Trung Quốc ủng hộ dân chủ tại Canada.
Bà Thịnh Tuyết, một nhà hoạt động nhân quyền kiêm nhà văn người Canada gốc Hoa, nhận định rằng ông Tạ Vệ Đông đã phơi bày những thực tiễn tăm tối của chính quyền Trung Quốc.
Các nhà hoạt động người Trung Quốc ở nước ngoài đều biết rằng “Trung Quốc không có nền tư pháp độc lập,” trích dẫn từ lời bà Thịnh trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, và “tiêu chí của Đảng Cộng sản sẽ quyết định kết quả của bất kỳ trường hợp tố tụng nào.”
Bà Thịnh nhận xét: “Đảng không chỉ kiểm soát các tòa án. Nó cũng ảnh hưởng toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe và giáo dục của Trung Quốc, dẫn đến một thực trạng tương tự đang bao trùm cả nước. Chúng ta chẳng thể thảo luận các vấn đề trong hệ thống tư pháp của Trung Quốc làm gì. Đừng quên rằng đây là một chế độ độc tài chuyên chế.”
Larry Ong và Frank Fang, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Minh Tuệ biên dịch
Xem thêm: