Do ảnh hưởng từ bán tháo chứng khoán toàn cầu, nên lực bán áp đảo cả sàn, VN-Index giảm một lèo từ lúc mở cửa đến khi khép phiên, lần lượt chạm qua các đáy, có lúc giảm gần 20 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch sáng 18/1, VN-Index giảm 17,36 điểm (-3,2%) xuống 525,68 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 93,81 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.394,53 tỷ đồng.
Thị trường ngày đầu tuần thực sự hoảng loạn, tâm lý bi quan bao trùm khiến toàn sàn nhuộm sắc đỏ. Lực bán tiếp tục tăng mạnh ở những cổ phiếu lớn.
Giá dầu thô tiếp tục rơi xuống mốc 28 USD/thùng khiến nhóm cổ phiếu dầu khí đã xảy ra hiện tượng bán tháo, giảm giá sâu trong phiên sáng 18/1 như PVD giảm 4,95%, GAS giảm 6,41%, PVS giảm 5,59%, PVC giảm 8,53%, PVB giảm 7,63%, PLC giảm 1,85%, nhiều mã nhỏ giảm sàn như PXI, PV2, PVL, PVV, PVG.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 2,31 điểm (-3,06%) xuống 73,08 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 30,25 triệu đơn vị, trị giá 264,56 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chưa tới 15 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu bluechip là gánh nặng chính của thị trường, trong khi Vn30 tất cả đều giảm mạnh khiến chỉ số Vn30-Index giảm 16,22 điểm (-2,92%) xuống 539,54 điểm thì HNX30 cũng chỉ có duy nhất DBC giao dịch trên mốc tham chiếu 1 bước giá, chỉ số HNX30-Index giảm 5,16 điểm (-3,94%) xuống 125,68 điểm.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngân hàng cũng tác động mạnh tới thị trường như VCB giảm 4,19%, BID giảm 5,06%, CTG giảm 4,55%, STB giảm 1,8%, SHB giảm 5,08%, ACB giảm 2,09%…
Khá nhiều cổ phiếu thị trường quen thuộc đã lùi về mức sàn như FLC giảm 6% với khối lượng dẫn đầu thị trường đạt 13,27 triệu đơn vị, ITA giảm 6% và khớp 4,66 triệu đơn vị, OGC giảm 5% với lượng khớp 3,26 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 0,86 triệu đơn vị, FIT giảm hơn 6% và khớp hơn 2 triệu đơn vị. Ngoài ra, nhiều mã như BGM, HAI, GTT, HQC, JVC, MCG, VHG… cũng đua nhau nằm sàn.
Trên HNX, KLF là cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản trên sàn với hơn 3,8 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công. Chốt phiên, KLF cũng rớt sàn với mức giảm 8,11% xuống 3.400 đồng/Cp.
Chưa dừng lại, lực bán còn ồ ạt từ loạt cổ phiếu trụ cột kéo sang nhóm cổ phiếu vừa đẩy hàng loạt cổ phiếu xuống về giá sàn, sắc đỏ bao trùm. Thanh khoản tăng vọt khi tổng giá trị giao dịch trên hai sàn đạt hơn 1.600 tỉ đồng.
Diễn biến tiêu cực từ giá dầu thế giới về dưới mức 29 USD/thùng trước thông tin Iran được dỡ bỏ cấm vận đang khiến giá dầu khí thế giới giảm mạnh, thị trường chứng khoán quốc tế bất ổn.
Đặc biệt chứng khoán Trung Quốc được cho rơi vào “tình trạng con gấu” của ngày 15/1 khi giảm 20% so với mức cao đạt được ngày 22/12/2015, đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Theo thống kê, trong hai tuần đầu của năm 2016, chứng khoán Việt Nam đã mất 76.700 tỷ đồng, tương đương 3,5 tỉ USD giá trị vốn hóa.
Thành Long
Xem thêm: