Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Bố mẹ kể về cuộc đời như cổ tích của đô cử Lê Văn Công

Mấy hôm nay, căn nhà nhỏ của gia đình ông Lê Văn Tuân (60 tuổi, trú khối 10, phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) tấp nập người ra vào chúc mừng. Con trai ông là đô cử Lê Văn Công vừa chinh phục mức tạ 183 kg để giành HC vàng, phá kỷ lục thế giới ở Thế vận hội dành cho người khuyết tật đang diễn ra ở Rio de Janerio (Brazil).

Đang trong mùa thu hoạch, bà Nguyễn Thị Quế (55 tuổi, mẹ lực sĩ Công) vội vã kéo lúa về để tiếp khách. Mẹ của lực sĩ cười giòn tan, tâm sự mấy chục năm rồi, đây là lần đầu tiên cả gia đình trải qua một cảm giác "sung sướng đến khó tả" và "cả đời người mới có niềm vui như thế này".

Lấy tay lau đi những giọt mồ hôi đang lăn dài trên gò má, bà tâm sự gia đình làm nghề nông, có năm người con. Ngày mang thai Công trùng thời điểm có dịch sốt suất xuất huyết nên khi sinh ra hai chân của cậu con trai bé bỏng teo tóp. Chạy chữa nhiều nơi song hoàn cảnh khó khăn không thể chữa dứt điểm, Công phải chịu thiệt thòi hơn so với các bạn cùng trang lứa về khiếm khuyết cơ thể.

bo-me-ke-ve-cuoc-doi-nhu-co-tich-cua-do-cu-le-van-cong

Ông Tuân - bà Quế nở nụ cười mãn nguyện khi hay tin con trai giành HC vàng Paralympic. Ảnh: Đức Hùng

Ngồi bên cạnh vợ, ông Tuân chia sẻ ngày Công còn nhỏ, ông rất lo lắng cho tương lai  sau này của con. Bởi cơ thể tật nguyền khiến con trai ông rất khó làm mọi việc để sinh sống, trong khi bố mẹ thì không thể theo chăm sóc suốt cả cuộc đời.

"Lớn lên, Công vẫn đòi đến trường. Ngày học tiểu học và THCS năm nào cũng đạt học sinh tiên tiến. Công rất hiếu động, luôn lót dép dưới đôi tay rồi di chuyển. Làm mọi việc đều rất nhanh nhẹn, trèo cây cực giỏi, khi thấy các bạn đá bóng cũng chạy ra lấy tay đập để xin chơi theo", ông Tuân nói.

Học hết THCS, gia đình ông Tuân cho con trai vào trung tâm nuôi dạy người khuyết tật ở TP HCM để tiếp tục học phổ thông và kiếm nghề gì đó để mưu sinh. Ban đầu Công học nghề công nghệ thông tin nhưng cơ duyên đã đưa anh đến với HLV cử tạ Nguyễn Hồng Phúc. Từ năm 2005 trở đi, những chuyến đi dài, thành công liên tục đến với chàng trai trẻ.

"Năm 2005, khi con trai đạt HC bạc ở giải quốc gia, tôi vô cùng xúc động. Cảm thấy nghị lực của cháu vô cùng lớn, luôn biết vượt lên chính bản thân mình", ông Tuân tâm sự.

bo-me-ke-ve-cuoc-doi-nhu-co-tich-cua-do-cu-le-van-cong-1

Bà Quế tranh thủ chở lúa về nhà để đón khách tới chia vui thành tích của con trai. Ảnh: Đức Hùng

Sau thành công bước đầu ấy, cứ mỗi kỳ thi như giải vô địch cử tạ châu Á, Para Games… đôi vợ chồng già liên tục được cậu con trai gọi điện về báo tin mừng, những lúc ấy bà Quế - ông Tuân đều nhìn nhau xúc động. Ngày con trai thông báo quyết định sẽ lập gia đình với cô gái xinh đẹp người Nghệ An Chu Thị Tám, thậm chí ông bà còn không tin bởi sợ họ chê con mình tật nguyền. Đến khi cưới rồi lần lượt các cháu nhỏ ra đời, hai ông bà đôi lúc vẫn nghĩ đó như một "câu chuyện cổ tích".

Ông Tuân cho hay do điều kiện đường xa nên lâu rồi Công chưa có dịp về thăm gia đình. Lần này đi thi Paralympic ở Brazil, trước ngày lên đường Công có gọi điện về tâm sự. Ông động viên con trai đây là niềm vinh dự lớn lao của gia đình, dòng họ, muốn con làm một điều gì đó "gây ấn tượng" để mang vinh quang về cho tổ quốc.

"Từ khi sang Brazil đến giờ Công chưa thể liên lạc được về với gia đình, tôi đành phải theo dõi thông tin về con trên các phương tiện truyền thông. Tối 8/9 cả nhà trực xem Công thi đấu trên chiếc điện thoại được kết nối mạng. Lượt thi đấu thứ hai, thấy con không nâng được mức tạ 179 kg thì vô cùng lo lắng", ông Tuân nhớ lại.

Mẹ của lực sĩ Công không giấu nổi cảm xúc kể về sự vỡ òa của gia đình khi biết anh giành HC vàng thế giới. "Thấy con khỏe khoắn rồi giơ hai tay lên sau khi nâng thành công mức tạ 181 kg, tôi cứ nhìn trọng tài, vừa lo vừa mừng. Sau khi biết con phá kỷ lục ở mức tạ 183 kg, tôi vui khôn tả nhưng cứ nghĩ rằng nó chưa giành HC vàng, bởi thế giới còn nhiều người tài giỏi khác", bà Quế nói.

bo-me-ke-ve-cuoc-doi-nhu-co-tich-cua-do-cu-le-van-cong-2

Lê Văn Công phấn khích khi mang về chiếc HC vàng Pralympic đầu tiên cho thể thao Việt Nam. Ảnh: Reuters

Anh Nguyễn Thanh Hùng (39 tuổi, trú phường Đại Nài) cho hay sống cùng xóm nên ngày nhỏ thường chơi đùa với Công, tuy chịu nhiều thiệt thòi nhưng chàng lực sỹ tương lai luôn được bạn bè quý mến. Biết tin Công giành HC vàng, anh vô cùng xúc động. "Cậu ấy khiếm khuyết về cơ thể nhưng nghị lực tràn đầy. Từ cậu bé đi bằng tay ngày nào giờ đã là một nhà vô địch trong lòng tất cả mọi người", anh Hùng nói.

Hiện các thành viên trong gia đình rất muốn liên lạc để hỏi thăm, chia với với Công nhưng vì điều kiện địa lý và thông tin liên lạc không thể kết nối. Mọi người đang ngóng chờ từng ngày khi anh lên máy bay trở về Việt Nam. Người đàn ông 60 tuổi cười hiền chia sẻ muốn nói với Công rằng: "Bố tự hào về con!".

Tối 8/9 (theo giờ Hà Nội), đô cử Lê Văn Công mang về chiếc HC vàng đầu tiên cho đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic 2016 ở nội dung cử tạ hạng 49kg nam. Thành tích mà lực sĩ này giành được là 183kg đồng thời phá kỷ lục Paralympic và kỷ lục thế giới. 

Đức Hùng

Let's block ads! (Why?)

seo

About seo

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :