Lời kêu gọi của Novak Djokovic cho rằng các tay vợt nam cần có mức tiền thưởng cao hơn các đồng nghiệp nữ có vẻ như đã phạm vào tôn chỉ của môn thể thao anh đang thi đấu.
Sau trận chung kết Indian Wells vừa qua, Djokovic nói rằng các tay vợt nam nên chiến đấu để giành lấy những gì xứng đáng với bản thân. Ý tay vợt người Serbia là các trận quần vợt nam hấp dẫn khán giả hơn và một phần nào đó, khắc nghiệt hơn quần vợt nữ.
Điều khiến Djokovic hứng búa rìu dư luận và phải vội vàng viết thư xin lỗi là bởi sự bình đẳng về tiền thưởng là một nét văn hóa có lịch sử hình thành của quần vợt. Trong đó, hai người lên tiếng mạnh mẽ nhất, Serena Williams và Martina Navratilova là những nhân vật có ảnh hưởng nhất trên con đường đi tìm sự bình đẳng cho quần vợt nữ.
Serena Willams và các tay vợt nữ từng nhiều năm đấu tranh vì bình đẳng giới tính trong quần vợt. |
Bình đẳng nam nữ trong thể thao là câu chuyện chưa có hồi kết. Nhưng quần vợt có quyền tự hào vì là lá cờ đầu cho khái niệm này. Năm 2007, Wimbledon và Roland Garros quyết định tiền thưởng sẽ được chia đều cho hai giải nam và nữ. Kể từ đó, các tay vợt nam và nữ nhận tiền thưởng bằng nhau ở tất cả các Grand Slam.
Thành công trên của WTA nói riêng và quần vợt nữ nói chung bắt nguồn từ “Trận chiến giới tính” mà người lĩnh xướng là huyền thoại Billie Jean King.
Năm 1973, không lâu sau khi đứng ra thành lập WTA, Billie Jean King bước vào trận đấu lịch sử với Bobby Riggs. Riggs là một trong những tay vợt nam hàng đầu ở thập kỷ 40 và là một tay môi giới, quảng cáo đại tài sau khi giải nghệ. Ban đầu, Riggs, khi ấy đã 55 tuổi, khiêu khích Billie Jean King và nói rằng sẽ đánh bại người phụ nữ 30 tuổi để chứng tỏ trình độ của các tay vợt nữ còn thua xa các đồng nghiệp nam.
Billie Jean King (trái) và Bobby Riggs trước "Trận chiến giới tính" năm 1973. |
Billie Jean King từ chối đề nghị thách đấu. Nhưng một tay vợt nữ tiếng tăm khác là Margaret Court lại chấp nhận đấu với Riggs rồi thua trắng với tỷ số 2-6, 1-6. Lúc này thì Billie Jean King không thể ngồi yên. Đây là thời điểm nhạy cảm vì bà vừa đứng ra thành lập Hiệp hội quần vợt WTA để bảo vệ quyền lợi cho các tay vợt nữ. Bobby Riggs cũng là một tay cáo già khi thách đấu đúng lúc, đúng chỗ. Còn Billie Jean King, bà không thể chấp nhận hình ảnh của Riggs chễm chệ trên trang bìa của hai tạp chí Sports Illustrated và Time như là biểu tượng chiến thắng của đàn ông, đồng thời chế giễu quần vợt nữ.
Ngày 20/9/1973, trận đấu diễn ra tại Houston, Texas. Người thắng cuộc sẽ mang về nhà 100.000 đôla. Riggs xuất hiện trong chiếc áo khoác trị giá 50.000 đôla theo tạo dáng của một “Ông bố kẹo ngọt” rồi đưa cho Billie Jean King một chiếc kẹo lớn nhưng tay vợt nữ cũng không vừa. Bà ngồi trên ngai như nữ hoàng Cleopatra, được bốn người đàn ông lực lưỡng khiêng ra sân và trao cho Bobby Riggs một… chú lợn con.
Billie Jean King bị dẫn 2-4 trong set đầu nhưng bà nhận ra bản thân đang ở trong một trận chiến không thể thua. Rút kinh nghiệm từ thất bại của Margaret Court, King từ bỏ lối chơi tấn công lên lưới, điều có thể khiến Riggs dễ dàng ăn điểm bằng những cú vô-lê và lốp bóng. Không thắng được lối chơi phòng ngự từ vạch cuối sân của King, Bobby Riggs chịu thua ba set trắng với tỷ số 4-6, 3-6 và 3-6.
Billie Jean King ngồi trên ngai vàng và được bốn người đàn ông khiêng ra sân trước trận đấu với Bobby Riggs. |
Thất bại quá ê chề khiến Riggs nhảy qua lưới rồi hét to: “Tôi đã đánh giá thấp cô”. Cố tay vợt nam số một thế giới sau đó nhốt mình trong khách sạn bốn tiếng vì ân hận. “Trận chiến giới tính” khi ấy được trực tiếp trên toàn nước Mỹ với lượng người xem trên toàn thế giới đạt 90 triệu người. Cho đến nay, đây vẫn là một trong những trận quần vợt có khán giả đến sân xem đông nhất với con số 30.472 người.
Sau này, nhiều người đặt nghi vấn rằng Bobby Riggs đã cố tình thua để thắng số tiền cược lớn ông đặt vào trận đấu này. Tuy nhiên, tay vợt qua đời vào năm 1995 từng thực hiện một bài kiểm tra với máy nói dối để chứng minh điều đó không tồn tại. Về phía Billie Jean King, thắng lợi nhãn tiền mà bà đạt được là năm 1973: Mỹ Mở rộng trở thành Grand Slam đầu tiên cân bằng tiền thưởng cho nam và nữ. Trước đó, với tư cách đương kim vô địch giải nữ, King dọa sẽ tẩy chay giải đấu nếu điều này không được thực thi.
Năm 1992, đến lượt Martina Navratilova bước vào một “Trận chiến giới tính” khác với Jimmy Connors. Martina là người mới đây chỉ trích cựu CEO Indian Wells Raymond Moore đưa ra phát biểu “đầy định kiến” nhắm vào quần vợt nữ và khiến ông này phải từ chức.
Lúc này, Navratilova 35 tuổi còn Jimmy Connors 40 tuổi. Connors chấp Navratilova chỉ giao bóng một lần mỗi điểm số và tay vợt nữ có quyền đánh vào phần sân dành cho nội dung đánh đôi. Nhưng cuối cùng, Connors vẫn thắng với tỷ số 7-5, 6-2.
Navratilova (trái) và Jimmy Connors từng đối đầu nhau ở một "Trận chiến giới tính" khác. |
Năm 2001, Australia Mở rộng trở thành Grand Slam thứ hai trao tiền thưởng bằng nhau ở hai giải nam và nữ. Sau đó sáu năm, dưới sự đấu tranh của Chris Evert, Martina Navratilova, Serena và Venus Williams, Maria Sharapova, tất nhiên là cả Billie Jean King, Wimbledon và Roland Garros cũng đưa ra quyết định tương tự.
Tại Mỹ Mở rộng 2015, hai nhà vô địch nam và nữ đều bỏ túi số tiền thưởng 3,3 triệu đôla. Cùng năm, đội tuyển bóng đá nữ Mỹ nhận số tiền thưởng hai triệu đôla cho chức vô địch World Cup. So với số tiền 35 triệu đôla mà đội tuyển bóng đá nam Đức nhận cho ngôi vương ở World Cup 2014, con số đó thấp hơn rất nhiều.
Thực tế, trong nhiều môn thể thao phổ biến khác như golf hay bóng rổ, tiền thưởng cho VĐV nữ đều thấp hơn rất nhiều so với đồng nghiệp nam. Do vậy, cũng dễ hiểu khi phát biểu của Djokovic lại gây phản ứng mạnh đến vậy.
Serena Williams nói: “Novak được quyền bày tỏ quan điểm nhưng nếu cậu ta có một đứa con gái, tôi nghĩ là bây giờ cậu ấy đã có một con trai, cậu ta nên giải thích cho con gái tại sao lại cho con trai nhiều tiền hơn chỉ bởi vì nó là con trai”.
Djokovic phải vội vàng xin lỗi vì động chạm tới niềm tự hào của quần vợt. Ảnh: AFP. |
Năm 2014, có ba tay vợt nam và ba tay vợt nữ nằm trong top 100 VĐV có thu nhập cao nhất thế giới. Năm ngoái, Maria Sharapova và Serena Williams vẫn góp mặt trong danh sách này.
Quần vợt đã trải qua một quá trình đấu tranh dài để đạt được thành quả về sự bình đẳng như ngày nay và Djokovic sẽ khởi động một cuộc chiến đi ngược lại tinh thần của môn thể thao này nếu anh cứ khăng khăng các tay vợt nam xứng đáng được hưởng nhiều thù lao hơn. Đó là lý do mà tay vợt Serbia phải vội vàng đưa ra lời xin lỗi, dù đã rất thận trọng khi đề cập đến vấn đề này.
Di Khánh