Hàng năm, mùa xuân là Việt Nam có rất nhiều lễ hội, không thể kể hết, nhưng trong ngày 14 Âm lịch, có 2 lễ hội có vẻ như là trái ngược hẳn nhau và được rất nhiều người quan tâm, đó là Lễ hội Minh Thề, nhưng quan không thề, và Lễ hội phát ấn đền Trần cho các quan đi xin ấn.
Lễ khai hội Minh Thề, quan không thề
Ngày 21/2 (tức 14 Tết Bính Thân), tại đền chùa Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng đã diễn ra lễ khai hội Minh Thề thường niên nhằm tái dựng nghi lễ những người làm quan thề “không tham nhũng” và những nông dân thề “trung thực, ngay thẳng.”
Tại lễ Hội Minh Thề vào sáng năm nay, các quan chức huyện Kiến Thụy đều nói ‘chúng tôi đã thề trước đảng rồi, còn ở đây là lễ hội của người dân trong thôn, để cho người dân trong thôn thề!” Vì thế, tại lễ hội này quan không thề, chỉ có dân đóng giả quan thề.
Năm nay, ông Phạm Phú Oanh, chủ lễ Hội Minh Thề, cho biết: “Chúng tôi rất mong muốn lễ hội truyền thống với ý nghĩa nhân văn sâu sắc này các chức sắc của xã, huyện và cao hơn cùng uống rượu thề thì sức lan tỏa còn lớn rộng nữa.”
Lịch sử từ năm 1561, đã có Lễ hội Minh thề, với với lời thề lấy chí công làm trọng, không vì tư lợi, nghèo khó mà lấy của công làm việc riêng cho mình. Nếu phạm lời thề thì trời tru đất diệt. Những người đứng lên đài thề trong hội Minh Thề là các quan cấp làng như lý trưởng và các tùy tùng giúp việc. Ngoài ra, những người trên 18 tuổi ở trong làng đều phải đứng dưới để hòa chung vào lời thề. Các quan hàng Tổng (tương đương cấp huyện) và hàng Phủ (tương đương cấp tỉnh) cũng về dự để chứng kiến lời thề.
Mọi người cùng hô vang lời thề: “Ai dùng của công xây dựng việc công xin thần linh ủng hộ, ngược lại người lấy của công về làm của tư, xin thần linh đả tử…. làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt.”
Lễ khai ấn Đền Trần, quan giả dân đi nhận ấn
Hàng vạn người chen chân nhau để vào dâng hương, nhận ấn. (Ảnh: laodong.com.vn)Theo sử Việt, năm 1258, khi quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông ra lệnh thực hiện chính sách “vườn không nhà trống” tại kinh thành Thăng Long và rút lui chiến lược về phủ Thiên Trường (Nam Định) để kháng chiến.
Sau khi đánh bại quân Nguyên Mông, vào ngày 14 tháng Giêng, tại phủ Thiên Trường, vua Trần Thái Tông đã mở tiệc chiêu đãi và thưởng công, phong tước cho các quan, quân có công trong việc đánh giặc.
Từ đó, cứ vào ngày 14 Tết hàng năm các vua Trần lại tổ chức nghi thức “khai ấn” để tế lễ trời đất, tổ tiên; phong chức tước cho những người có công, đồng thời mở đầu cho một năm làm việc mới của bộ máy chính quyền nhà Trần.
Đến nay, tại phủ Thiên Trường xưa, hàng năm vào ngày 14 Tết lễ khai ấn đền Trần với những nghi thức truyền thống vẫn được bảo tồn để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc, từ lâu nay lễ đã thu hút đông đảo du khách thập phương về tham dự.
Trước đó, ngày mùng 2 Tết, Ban quản lý Khu di tích đền Trần thực hiện nghi lễ xin mở ấn để in các lá ấn phục vụ cho lễ khai ấn. Nội dung lá ấn bao gồm các chữ: “Trần miếu tự điển tích phúc vô cương” (có nghĩa là “đền Trần ban phúc lộc đầu năm”). Đến 22h ngày 14 tháng Giêng, lễ khai ấn được bắt đầu với nghi thức rước hòm ấn từ nội cung đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường. Sau khi lễ khai ấn được thực hiện bởi 14 cụ cao niên thôn Tức Mặc (phường Lộc Vượng) kết thúc, khách thập phương vào đền Thiên Trường để tế lễ, xin lá ấn với mong muốn một năm mới thành đạt và phát tài.
Lễ khai ấn đền Trần là một hoạt động văn hóa mang tính nhân văn sâu sắc, có ý nghĩa giáo dục thế hệ sau truyền thống yêu nước và đạo lý uống nước nhớ nguồn; đồng thời cũng là niềm tự hào của người dân Nam Định từ bao đời nay.
Năm nay, từ ngày bắt đầu lễ hội khai ấn đền Trần, lượng khách về rất đông, Nam Định phải huy động 2.000 công an ra để bảo vệ cho sự an toàn của lễ khai ấn và những ngày phát ấn sau đó bắt đầu vào sáng ngày Rằm tháng Giêng. Lượng bảo vệ cho thấy quy mô của Lễ là lớn đến mức nào.
Thực tế của sự tranh cướp trong ngày khai ấn đã chỉ ra tâm lý hám chuộng quyền chức đã ăn sâu vào tâm lý của người Việt đến mức nào. Người ta mê muội đến mức đạp lên để cướp lấy lộc may mắn từ bàn thờ, từ kiệu rước.
Trong số người đi lễ này có rất nhiều các xe biển xanh, người ta truyền tai nhau muốn thăng quan tiến chức thì phải đi lễ đền Trần, có nhiều quan muốn đi, họ đi liên tục qua các năm. Quan đi thì lính cũng đi, dân cũng đi. Không chỉ ở các tỉnh phía Bắc mà rất nhiều người từ Miền Trung, Miền Nam cũng ra tham gia chen chúc. Tuy nhiên quan thì không phải chen như dân, đã có các sở ban ngành dọc của họ ở Nam Định can thiệp để lấy riêng, nhưng người muốn lấy phải có mặt ở Nam Định.
Hình như nhiều người cũng thích làm quan, cuộc sống đã chứng minh rất rõ ràng, rằng cứ có quyền có chức thì tức khắc có bổng lộc, một người làm quan cả họ được nhờ, không có lợi lộc thì ai lại nhọc công mà chen nhau làm “công bộc” cho dân mà làm gì?
Như các báo đưa tin, tại lễ hội đền Trần người ta chen lấn, xô đổ đẩy, đổ cả hàng rào, bứt trụi cả lá cây, trèo cả lên đầu nhau, nhìn như là một cuộc chiến, không biết những người này họ có hiểu ý nghĩa thiêng liêng của lễ này không?
Nếu những người này mà được làm quan thật, thăng quan thật thì chắc là dân còn khổ, vì họ không dám đến chỗ thề không tham nhũng, chỉ tranh nhau lên quan thôi, chỉ lo cho cá nhân họ thôi.
Thành Tâm
Xem thêm: